Lượt xem: 6878

Đảng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động

Với bản chất khoa học và cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay luôn gặp sự phê phán, công kích của các thế lực đối lập, thù địch. Đặc biệt, từ khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã thì sự xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin được đẩy mạnh hơn. Ở nước ta, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị cũng hùa theo hòng gây nhiễu loạn về tư tưởng, niềm tin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa nhằm phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

    Chủ nghĩa Mác - Lênin do Mác và Ăngghen sáng lập vào giữa những năm 40 của thế kỷ XIX, được Lênin bổ sung, phát triển vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân đạo, vạch rõ bản chất, quy luật về hình thành, phát triển và diệt vong của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời là một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, trở thành vũ khí tư tưởng - lý luận của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh chống CNTB nhằm mục tiêu giải phóng xã hội, giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, phát triển toàn diện con người.

    Do bản chất khoa học học và cách mạng nói trên, nên ngay từ trong quá trình xây dựng và phát triển học thuyết khoa học của mình, Mác, Ăngghen, Lênin và học thuyết của các ông luôn có rất nhiều kẻ thù, phải thường xuyên đấu tranh chống các quan điểm sai trái, duy tâm, siêu hình, giáo điều, xét lại… Mấy thập niên gần đây, đặc biệt sau khi chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thì chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị xuyên tạc, bóp méo, giáo điều đủ loại nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, vì cho nó đã lỗi thời, lạc hậu, đã “cáo chung” cùng với CNXH ở Liên Xô và Đông Âu vào cuối thế kỷ XX. Những người phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin đưa ra nhiều lý do, nhưng chung quy lại, có thể khái quát ở những điểm sau:

    Thứ nhất, họ cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ những điều kiện kinh tế - xã hội của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX nên không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.

    Theo họ, chính học thuyết Mác - Lênin đã chỉ rõ: “vật chất quyết định ý thức”; “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”; ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Từ đó họ khẳng định: Chủ nghĩa Mác ra đời từ một tồn tại xã hội thấp kém của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX thì không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay của đại công nghiệp, của kinh tế tri thức, kinh tế số mang tính toàn cầu… Điều đó mới nghe là không sai, nhưng nếu chỉ hiểu chủ nghĩa Mác như thế là khiếm khuyết, chưa đầy đủ. Triết học Mác chỉ rõ: Trong mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, thì ý thức xã hội có tính độc lập tương đối, tác động tích cực trở lại tồn tại xã hội; đặc biệt, các ý thức tư tưởng tiến bộ, khoa học còn có vai trò đi trước định hướng nhận thức và hành động cải tạo thực tiễn của con người (nhờ tính chọn lọc, kế thừa và tính vượt trước của ý thức xã hội).

    Lênin có câu nói nổi tiếng, đại ý: Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh bại bởi một lực lượng vật chất khác; nhưng ý thức tư tưởng khoa học một khi đã thâm nhập vào quần chúng thì nó có sức mạnh vô biên. Ngạn ngữ cũng có câu: Anh hùng tạo thời thế… Đó là vai trò của các cá nhân có tầm trí tuệ cao, có khả năng lãnh đạo các phong trào cách mạng của quần chúng nhằm cải tạo thế giới theo quy luật khách quan. Các nhà bác học trên thế giới, hay Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh,… là những nhà khoa học vĩ đại, các học thuyết khoa học do các ông đưa ra có tính định hướng nhận thức và hành động của con người mang tính vượt thời đại và không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Điều đó cũng giống như các nguyên lý toán học, định luật hóa học, vật lý… ra đời từ thời cổ đại nhưng nhân loại đã, đang và sẽ tiếp tục học tập, sử dụng là một minh chứng cho nhận định trên. Vậy, hà cớ sao lại nói chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ những điều kiện kinh tế - xã hội của những thế kỷ nên không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay?! Vậy, kết luận rút ra ở đây là: Chủ nghĩa Mác - Lênin không lỗi thời, chính những người phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin mới là những người cố tình không nhìn thấy hoặc cố tình xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin  để bảo vệ CNTB và quyền lợi ích kỷ của giai cấp tư sản.

    Thứ hai, họ cho rằng CNXH hiện thực được xây dựng theo học thuyết Mác - Lênin ở Liên Xô, các nước Đông Âu đã bị sụp đổ là do đi theo học thuyết sai lầm.

    Thoạt nghe lập luận trên là hợp lý và logic, nhưng thực chất đó là những lời ngụy biện để biện minh cho giai cấp bóc lột. Trước hết, cần phải khẳng định: Mô hình CNXH hiện thực trên thực tế đã mang lại sự thay đổi lớn và mang lại cuộc sống tốt đẹp không chỉ cho nhân dân Liên xô, các nước Đông Âu mà cho cả nhân loại. Nhờ đó đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp đánh thắng các liên minh quân sự của các nước tư bản trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Đây cũng là một thực tế hiển nhiên không có gì bàn cãi, không thể phủ nhận. Mặt khác, sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng CNXH cụ thể, do nhận thức và thực hiện chưa đúng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác -Lênin, chứ đó không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học, càng không phải là sự sụp đổ về một tương lai tốt đẹp mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới. Nguyên lý triết học duy vật biện chứng Mác - Lênin đã chỉ rõ: Cái chung được thể hiện ra ở vô số những cái riêng, nhưng không phải cái riêng nào cũng phản ánh đúng cái chung sâu sắc. Điều này không chỉ được minh chứng bằng việc hiện nay, một loạt nước trên thế giới đã lựa chọn con đường phát triển của nước mình không theo CNTB. Và, một minh chứng hiện hữu là một số nước đang kiên trì đi theo con đường XHCN dựa trên học thuyết Mác - Lênin, trong đó có Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Thứ ba, họ cho rằng, điều kiện kinh tế và xã hội ở các nước tư bản phát triển được cải thiện rất nhiều so với ở các nước đi theo CNXH, chứng tỏ CNTB là ưu việt.

    Có thể không ai phủ nhận là hiện một số nước TBCN phát triển đã có được những thành tựu nổi bậc về phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, kéo theo là những cải thiện nhất định về điều kiện sống của người dân, nhờ đã có những sự điều chỉnh để thích nghi với điều kiện mới. Nhưng từ đó mà cho rằng CNTB sẽ tiếp tục tồn tại và là chế độ xã hội cao nhất của con người là sai lầm cả về lý luận và thực tiễn. Thực tiễn những gì tồn tại ở các nước TBCN, chúng ta có thể khẳng định rằng: Bản chất của CNTB không hề thay đổi. Cụ thể: (1) Theo đuổi lợi nhuận, bóc lột giá trị thặng dư vẫn là mục tiêu cao nhất của các nhà tư bản; sự giàu có của các nhà tư bản là từ nguồn lợi nhuận này. (2) CNTB hiện đại chẳng những không xóa bỏ được tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội mà sự phân hóa còn tiếp tục gia tăng, vẫn là chế độ bất công. Theo thống kê của Liên hợp quốc, tài sản của 225 người giàu nhất thế giới lớn hơn thu nhập, tài sản của hơn 2,5 tỷ người nghèo trên thế giới. (3) CNTB hiện đại với sự can thiệp, điều tiết của nhà nước đã không giúp CNTB hiện đại tránh được các cuộc khủng hoảng kinh tế gắn liền với bản chất của CNTB. (4) Trong CNTB hiện đại, những mâu thuẫn gắn liền với bản chất của CNTB vẫn tồn tại, dù có những hình thức biểu hiện mới… (5) Một thực tế khác cũng cho thấy: Trên thế giới hiện có hàng 100 nước TBCN (kể cả các nước TBCN phát triển nhất - G7) hay các nước phát triển theo con đường TBCN, nhưng không phải nước cũng giàu, mọi người đều giàu, đều được tự do, dân chủ, được đối xử công bằng.

    Như vậy, rõ ràng là sai lầm khi chỉ nhìn bề ngoài những gì đang có ở các nước tư bản phát triển để so sánh, đánh giá tính ưu việt của chế độ TBCN so với chế độ XHCN. Những cái gọi là “thành tựu” mà CNTB có được trong nhiều trăm năm phát triển chỉ là sự ăn cắp, ăn cướp của những người lao động trên thế giới. Có nhà khoa học đã nhận xét: Trên con đường phát triển của CNTB, bánh xe vận hành của nó đã lăn đi trong ngập ngụa máu và nước mắt của nhân loại cần lao, thống khổ trên khắp các lục địa. Đó là “kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2-9-1945.

 

    Thứ tư, họ đưa ra một loạt sai lầm, khuyết điểm mà các nước đi theo con đường XHCN, trong đó có nước ta đã và đang mắc phải, chứng tỏ lý luận về CNXH là sai lầm và lỗi thời.

    Đối với Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, tất cả đều có điểm chung là điểm xuất phát thấp hoặc trung bình; thời gian xây dựng chế độ XHCN rất ngắn (trong khi nhiều nước TBCN có lịch sử phát triển 400 năm). Trong khoảng thời gian ấy, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm trăm phương, nghìn kế chống phá, phải vừa bảo vệ, vừa xây dựng, không có nhiều thời gian hòa bình đúng nghĩa để tập trung mọi nguồn lực cho công cuộc xây dựng CNXH. Tuy vậy, trong hơn 70 năm xây dựng CNXH, Liên Xô và các nước XHCN khác đã đạt được một tiềm lực kinh tế, cơ sở vật chất của CNXH trên quy mô lớn với trình độ hiện đại, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, là chỗ dựa đáng tin cậy của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Ngay ở Việt Nam, thời kỳ quá độ lên CNXH từ sau 30-4-1975, nhưng từ đó đến nay, chúng ta vừa phải đối phó với 2 cuộc chiến tranh biên giới; bị Mỹ bao vây, cấm vận; ảnh hưởng tiêu cực từ sự tan rã hệ thống XHCN thế giới; chiến lược chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp với kích động biểu tình, bạo loạn lật đổ… Trên thực tế, chúng ta bắt tay vào xây dựng đất nước từ con số không. Nhưng, với sự kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Đặc biệt, sau hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bất chấp mọi thử thách, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Đó là một thực tế được thế giới thừa nhận. Những thành tựu to lớn đó là minh chứng khẳng định bản chất khoa học, cách mạng và sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Ông Giắccơ Đêriđa, một học giả tư sản, một triết gia hiện đại phương Tây có uy tín, trong quyển sách “Những bóng ma của Mác” đã tuyên bố: Chủ nghĩa Mác không lỗi thời, loài người cần phải trở về với Mác, phải tìm thấy chân lý từ học thuyết của Mác. Học giả này quả quyết: Loài người “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”.

    Tóm lại, mặc dù mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là một tổn thất lớn của phong trào trào cộng sản và công nhân quốc tế, tác động ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng vẫn tồn tại, phát triển và chưa có một học thuyết nào có thể thay thế được. Chủ nghĩa Mác - Lênin có giá trị trường tồn, sức sống bền vững. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Bây giờ, chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Chỉ có những ai xuyên tạc, muốn hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin mới không thừa nhận và run sợ trước bản chất khoa học, cách mạng và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác-Lênin.

    Trong bối cảnh trên, để bảo vệ, phát triển và kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần quan tâm một số việc sau đây:

    Thứ nhất, học thuyết Mác - Lênin là một học thuyết mở, do đó, các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị cần có kế hoạch nghiên cứu nghiêm túc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên từng lĩnh vực theo từng chuyên đề cụ thể gắn với tổng kết thực tiễn để khẳng định: (1) Những luận điểm nào có giá trị bền vững bất luận điều kiện kinh tế - xã hội và hoàn cảnh cụ thể; (2) Những luận điểm nào trước kia đúng, nhưng bây giờ đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp; (3) Những luận điểm nào các ông đã phát hiện thấy không đầy đủ hoặc thừa nhận là sai và đã sửa đổi nhưng chúng ta không thấy hết; (4) Những luận điểm nào của các ông mà chúng ta đã hiểu sai do nghiên cứu không đến nơi đến chốn hoặc hiểu theo cách hiểu không đúng của người khác… Qua đó, có những bổ sung, phát triển sáng tạo nhằm làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu của thực tiễn mới. Đây là một yêu cầu khách quan, cấp bách trong công tác tư tưởng - lý luận của Đảng ta hiện nay.

    Thứ hai, các Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện cần mạnh dạn đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng: Căn cứ khung chương trình và thời gian quy định cho mỗi chương trình, mỗi bài học, mỗi khâu trong quy trình đào tạo để áp dụng phù hợp cho từng loại lớp học, từng đối tượng. Phương châm của công tác giáo dục nói chung và hoạt động giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay là: Cung cấp những thông tin mà người nghe, người học cần chứ không phải những thông tin đã có trong tài liệu hay của người cung cấp thông tin có và biết. Do đó, điều quan trọng là người tuyên truyền, người dạy phải có kiến thức rộng và chuyên sâu, nắm bắt được trình độ, nhu cầu kiến thức lý luận và thực tiễn của người nghe, người học để lựa chọn nội dung, phương pháp tuyên truyền, giảng dạy phù hợp.

    Thứ ba, các cơ quan thông tin truyền thông, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tăng cường tuyên truyền, giáo dục những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo từng chuyên đề cụ thể gắn với học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước bảo đảm thiết thực, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của từng đối tượng theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đồng thời, chủ động nắm bắt và tích cực đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vạch trần âm mưu, thủ đoạn, hành động chống đối nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 91
  • Hôm nay: 5488
  • Trong tuần: 76,195
  • Tất cả: 11,799,515